Về diễn viên Đơn Dương Chúng tôi từng là lính

Bài hay đoạn này cần người am hiểu về chủ đề của nó để trợ giúp biên tập và mở rộng bài viết.
Bạn có thể giúp chỉnh sửa bài hoặc nhờ một ai đó. Xem trang thảo luận để biết thêm chi tiết.

Sau khi bộ phim này được công chiếu, dư luận Việt Nam đã chĩa mũi nhọn vào Đơn Dương, các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng đã có ý kiến về anh, gây nên cho anh khá nhiều rắc rối. Diễn viên Đơn Dương, người đóng vai trung tá Nguyễn Hữu An, đã phải nhiều lần thanh minh về việc anh đóng phim tại Mỹ.

Anh cho biết năm 2000, anh được mời đi dự liên hoan phim ở Mỹ và được đạo diễn Randall Wallace chọn anh đóng phim Chúng tôi từng là lính. Anh nhận đóng vai trung tá An vì anh đã từng đóng vai trung tá Lực trong bộ phim Cỏ lau, đó là một nhân vật hư cấu còn trung tá An là một nhân vật anh hùng có thật, nên anh thích vai này hơn. Anh cũng cho biết khi nhận vai, đạo diễn có nói đây là bộ phim lên án cuộc chiến xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Anh cũng đã gặp trung tá Harold Moore và đã được cung cấp tư liệu để thực hiện bộ phim này, và biết ông này rất nể phục trung tá An. Ngoài ra vì lý do nghề nghiệp, việc đóng một vai đối đầu với diễn viên Mel Gibson, một siêu sao của Hollywood, đã kích thích anh nhận đóng vai trung tá An.

Đơn Dương cũng công khai cho biết số thù lao của anh trong bộ phim này, trong phim, Mel Gibson được trả cát-xê 25 triệu USD, còn anh chỉ được 15.000 USD, sau khi đóng thuế còn 10.000 USD.

Anh cũng nhận xét thêm rằng khi đọc kịch bản, anh nghĩ mình đóng vai một anh hùng bộ đội, chắc sẽ được khán giả Việt Nam khen ngợi. Khi xem phim, khán giả tinh ý sẽ nhận thấy các vai bộ đội do những người châu Á khác đóng chứ không phải người Việt Nam. Nhưng khi xem bộ phim đã hoàn thành, "tôi rất buồn vì những cảnh tôi diễn tả tính cách dũng cảm và mưu trí của trung tá An đã bị cắt rất nhiều. Đây là kinh nghiệm cho bản thân tôi. Tôi xin thề sẽ không bao giờ đóng phim về chiến tranh Việt Nam do người nước ngoài đạo diễn nữa, vì họ có toàn quyền thay đổi kịch bản theo ý đồ của họ".[8]

Sau khi Đơn Dương giải thích về việc đóng phim tại Mỹ, Sở Văn hóa - Thông tin thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu anh làm tường trình. Hội Điện ảnh Việt Nam cũng đã kiến nghị làm việc với Bộ Văn hóa và Thông tin về việc quản lý diễn viên điện ảnh trong nước đóng phim ở nước ngoài. Một số ý kiến của các nhà quản lý cho rằng "Đơn Dương là diễn viên điện ảnh tự do, Cục Điện ảnh không quản lý và cũng không làm thủ tục xuất ngoại để Đơn Dương ra nước ngoài đóng phim Rồng xanh (Green Dragon) và Chúng tôi từng là lính (We Were Soldiers). Đơn Dương là diễn viên lâu năm, có tên tuổi và có kinh nghiệm, chí ít anh phải đọc kỹ kịch bản. Nếu thấy nội dung không phù hợp, thì anh không nên đóng. Vấn đề ở đây là nhận thức của Đơn Dương!" và "trong việc hợp tác làm phim với nước ngoài, Cục Điện ảnh duyệt nội dung trước khi cho thực hiện để tránh sai sót. Thực tế mỗi bộ phim cho thấy, ngoài yếu tố giải trí còn phải có tính giáo dục".

Tiến sĩ Trần Luân Kim, Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng: Sự kiện Đơn Dương tham gia đóng một bộ phim do Mỹ sản xuất có chi tiết xuyên tạc lịch sử Việt Nam là điều rất đáng tiếc. Hiện nay, Hội Điện ảnh Việt Nam không quản lý được các diễn viên (là hội viên của hội) nhận hợp đồng đóng phim nước ngoài, họ chỉ thông qua chính quyền và tự ý tham gia. "Để rút kinh nghiệm, sắp tới chúng tôi sẽ làm việc với Bộ văn hóa - thông tin, đề xuất việc phối hợp chặt chẽ để tránh xảy ra tình trạng đáng tiếc từng bị dư luận phê phán qua các phim: Yêu tiếng hát Việt Nam, Xích lô... Việc Đơn Dương đóng phim ở Mỹ cũng cần được xem xét lại để có biện pháp xử lý".

Bà Trương Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin cho biết bà đã báo cáo giao ban báo chí gửi Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa thông tin đã trình bày sự việc này. Ban Giám đốc Sở đã giao cho ông Phạm Minh Tuấn mời diễn viên Đơn Dương lên 'làm việc', yêu cầu Đơn Dương tường trình. Nếu thấy sai phạm đến đâu, sẽ xử lý đến đó.

Đạo diễn Lê Văn Duy, Ủy viên Ban Thư ký Hội Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh cho biết "qua Tạp chí điện ảnh Pháp (số tháng 4/2002) tôi biết được nội dung bộ phim này đã xuyên tạc lịch sử Việt Nam, ca ngợi lính Mỹ là những người hùng. Chính tác giả bài báo đã phê phán thái độ không trung thực của những người làm phim đối với lịch sử. Tôi cho rằng Đơn Dương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc tham gia đóng phim này. Để biện minh, Đơn Dương nói mình bị... lừa, nhưng không ai tin được. Bởi Đơn Dương đã đọc kịch bản, đã ra hiện trường để quay những cảnh, những lời thoại có sẵn từ kịch bản... Nhưng anh vẫn đóng dù phim mang nội dung xuyên tạc và bất lợi đối với Việt Nam".[10]

Khi có dư luận lên tiếng, Đơn Dương đã cố biện minh nhưng không được chấp nhận. Ông Lê Văn Duy, Ủy viên Ban thư ký Hội Điện ảnh, nói: "Đơn Dương không thể biện minh gì được qua bộ phim "Rồng xanh" mà anh ta tham gia vai chính. Hơn 90% lời thoại trong phim là tiếng Việt thì không thể nào nói tôi bị lừa, hoặc tôi không hay biết...". Ông Nguyễn Phúc Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh phát biểu: "Đơn Dương ra nước ngoài bằng đường du lịch, rồi tự ý đóng hai phim "Chúng tôi từng là lính", "Rồng xanh", hoàn toàn không xin phép các cơ quan chức năng...".

Nhiều ý kiến của độc giả cũng quy trách nhiệm cho Đơn Dương, đặc biệt là hai đoạn gây tranh cãi là cảnh thứ nhất là đoạn đầu phim khi bộ đội Việt Nam đâm sau lưng sĩ quan Pháp và tiếp đến là vị chỉ huy ra lệnh tàn sát, đoạn thứ hai là cảnh cuối phim, sau khi bị thua trong trận giáp chiến với lính Mỹ, vị chỉ huy quay lại để thu nhặt xác đồng đội, anh ta làm một hành động là cắm lại lá cờ Mỹ một cách ngay ngắn trên một gốc cây và quay lưng bỏ đi.[11]

Không chịu nổi áp lực từ dư luận, năm 2003, Đơn Dương đã đi định cư ở Mỹ.[12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chúng tôi từng là lính http://www.allmovie.com/movie/v259501 http://www.boxofficemojo.com/movies/?id=weweresold... http://www.imdb.com/title/tt0277434/ http://www.metacritic.com/movie/we-were-soldiers http://www.tcm.com/tcmdb/title/419310/We-Were-Sold... http://www.youtube.com/watch?v=LtyRtpyi5N8 http://vnexpress.net/GL/Van-hoa/2009/03/3BA0CE85/ http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/2002/05/3b9bc... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron...